Học Đại học vì….không biết làm gì ?

5/5 - (1 bình chọn)

Nhiều phụ huynh và học sinh nghĩ rằng cứ học nhẹ nhàng thoải mái thôi rồi đến lớp 11 mới bắt đầu lo về điểm số và định hướng vì khi đó mới tới tuổi chuẩn bị học Đại học. Rất nhiều học sinh trải qua tiểu học và trung học mà không cần phải nỗ lực nhiều, bởi vì sẽ không có chuyện gì xảy ra ngay cả khi họ chưa sẵn sàng để tiến lên.

Một môi trường tiểu học và trung học thoải mái như vậy đã tạo ra trở ngại khi các em đến tuổi cần xác định rõ ràng về định hướng tương lai.

Chưa chuẩn bị tâm lý học Đại học

Trước hết, nhiều học sinh hoàn toàn chưa có sự chuẩn bị để sống sót qua sự khắc nghiệt của trường đại học hoặc cao đẳng, chứ đừng nói đến sự nghiệp tương lai của họ. Ở Việt Nam, việc định hướng cho con em học trường nào, ngành gì phần lớn đều bắt nguồn từ những mong muốn và ước mơ còn dang dở của bậc phụ huynh.

Và quan trọng hơn hết, cha mẹ cũng nghĩ rằng cả một bầu trời tương lai tươi sáng hay không đều phụ thuộc vào trường Đại học đó. Chính vì thế, ‘con sợ thi rớt’ hay ‘con không tư tin lắm nếu học Đại học’ thì chẳng khác nào cãi cha cãi mẹ.

Chưa kể đến, khi bắt đầu cuộc sống Đại học, việc phải đối mặt với một môi trường mới và tập làm quen với nó cũng là một nỗi sợ hãi vô hình đối với các em. Kiếm nhà trọ, xin việc làm thêm, tiếp cận gần hơn với các kiến thức mang tính thực dụng sẽ khiến các em cảm thấy chùn bước vì ‘chưa muốn lớn’. Và điều quan trọng là mức học phí của Đại học lại không hề rẻ, nhất là đối với các hộ khó khăn mà đây lại không phải là thời điểm mà gia đình nào cũng có thể ‘thử’ và ‘trải nghiệm’.

Từ việc không có mong muốn nghề nghiệp rõ ràng và một định hướng đúng đắn, thì việc ép con vào Đại học cũng chỉ tốn tiền và thời gian khi chúng chưa hoàn toàn sẵn sàng và thực sự muốn đi học.

Mờ mịt mục đích học Đại học

Ở cái tuổi 15-18, các em chưa thể suy nghĩ chín chắn về định hướng tương lai được, và sự tác động của gia đình lúc này là yếu tố rất quan trọng. Học hết cấp nhỏ thì lên cấp lớn hơn trở thành một lối mòn ăn sâu vào tiềm thức nên họ mặc định xong phổ thông thì phải học Đại học, còn mục đích là gì thì cứ ‘tính sau đã’. 

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Thanh Niên, em Trương A.Q, sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ “Em còn không biết lý do em học đại học là gì nữa. Từ trước đến giờ, ai cũng học xong phổ thông thì đi thi đại học. Nên nếu giờ mà hỏi em lý do học đại học thì chắc là vì em không biết làm gì sau khi tốt nghiệp phổ thông”.

Khi bắt đầu cuộc sống Đại học, với những kiến thức cũng như phương pháp học đã không còn đơn thuần ở mức độ ‘trung học’ nữa thì rất nhanh để học sinh cảm thấy chán ngán việc học. Vậy thì có nên đầu tư 4-5 năm thời gian và tiền bạc trên ghế Đại học khi con em mình không có hứng thú và nỗ lực?

Cần xác định rõ các yếu tố ‘cần’ và ‘đủ’

Theo GS.Ngô Bảo Châu chia sẻ cùng VNExpress: “Học Đại học phải trả giá cả về tài chính và thời gian”. Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh sinh viên Đại học tốt nghiệp ra khó kiếm việc làm đang là vấn đề nhức nhối , được xem như triệu chứng lâm sàng của Đại học hiện nay. Vì vậy, khi lựa chọn theo học ở một môi trường sư phạm, học sinh cần xác định rõ học cái gì và học ở đâu.

 

tuyen sinh lien thong cao dang dai hoc
liên thông cao đẳng đại học

Để xác định được 2 yếu tố này, các em cần suy nghĩ về những điều kiện của bản thân như ‘Tại sao mình muốn làm điều này?’ và ‘Mình có đủ năng lực, tài chính và sức khỏe để thực hiện hay không?’. Nếu động lực và mục đích không thật sự chính xác và đủ mạnh mẽ thì các em sẽ khó vượt qua những khó khăn trong học tập, dễ nản chí và bỏ học.

Bên cạnh đó, học nghề cũng là một lựa chọn tốt và chưa chắc đã ‘kém sang’ hơn so với Đại học. Cái ‘nghề’ mới là thứ sẽ gắn bó lâu dài với mình thay vì cái ‘ngành’ nên nếu yêu thích một nghề nào đó thì cũng đừng ngại theo đuổi đam mê của mình.

Đại học chỉ là một con đường. Đã là con đường thì không có con đường nào là duy nhất, cũng không có con đường nào dễ nhất hay sang chảnh nhất. Các em cần xác định phương tiện của mình, đi thế nào rồi hãy chọn đường đi phù hợp.