Kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đang chuẩn bị diễn ra. Năm nào cũng có khoảng 30% số học sinh không vào được lớp 10 công lập. Tùy vào năng lực học tập của bản thân và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, các em có thể vào học trường dân lập với mức học phí khá cao. Còn cho con cái học nghề ở độ tuổi 15 “ăn chưa no, lo chưa tới” thì với nhiều bậc phụ huynh là một sự lựa chọn quá khó khăn. Điều này xuất phát từ tâm lý thương con hoặc tâm lý thích con làm thầy chứ không làm thợ. Tâm lý này cũng lây lan từ các bậc cha mẹ sang con cái nên nhiều đứa trẻ cũng thích làm thầy chứ không chịu làm thợ.
Trên thực tế, năng lực nơi nhiều em học sinh có hạn, điểm kiểm tra thường chỉ 2-3 điểm nhưng cha mẹ vẫn ép các em học thêm dày đặc với mong muốn nhồi kiến thức vào đầu trẻ để có thể vượt qua các kỳ thi tốt nghiệp. Tôi biết có những gia đình phải gồng mình lo học phí cho con học trường THPT dân lập, rồi lại tiếp tục học đại học, bất kể là vào trường đại học nào và bằng loại nguyện vọng tối thiểu. Năng lực tiếp thu kiến thức hay chuyện các em sẽ làm được việc gì sau này không còn là mối quan tâm chính nữa mà tất cả tập trung vào mục tiêu “có tấm bằng”!
Mới đây, các báo đưa tin tại TPHCM năm nay, hơn 10.000 học sinh THCS không đăng ký thi vào lớp 10 mà chọn con đường khác để học tiếp hoặc học nghề. Đọc tin này tôi thấy mừng. Mừng vì nhận thức xã hội đã có sự thay đổi (thực ra, việc cần phân luồng đa dạng cho học sinh sau THCS đã được nói đến từ nhiều năm nay nhưng chưa chuyển biến đáng kể trên thực tế), có thể do tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” thời gian dài vừa qua. Vậy nên, với các em học lực kém hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn, theo tôi, lựa chọn học nghề để vào đời sớm là hợp lý và thực tế.
Sau khi tốt nghiệp THCS, các em có thể theo học chương trình giáo dục nghề nghiệp – vừa học nghề, vừa học văn hóa. Với con đường này, bằng độ tuổi của các bạn học hết lớp 11, các em này đã có trình độ nghề trung cấp và có thể tìm được việc làm với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng. Và thực ra, con đường học vẫn luôn rộng mở sau này nếu các em vẫn giữ được động lực vươn lên.
Theo tôi, nếu phụ huynh sớm nhận biết niềm đam mê, năng khiếu, sở trường của con em mình thích hợp một nghề nghiệp nào đó thì hoàn toàn có thể định hướng cho con em ngay từ khi các em học xong lớp 9. Thực tế lâu nay, một người thợ như một đầu bếp giỏi vẫn được trả mức lương cao, được xã hội trọng vọng.
Thực tế cũng cho thấy có không ít sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng lại phải mưu sinh bằng những việc hoàn toàn không cần tới bằng cấp ấy. Nhưng để sự thay đổi này trở nên phổ biến hơn đòi hỏi có sự kết hợp của nhiều cơ quan, ban ngành và điều quan trọng nhất là hệ thống trường nghề phải đảm bảo chất lượng. Có như vậy thì các bậc phụ huynh mới yên tâm gửi gắm con em vào học, để sau khi ra trường, các em có đủ kỹ năng tham gia thị trường lao động.
Các doanh nghiệp – nhà tuyển dụng lao động cũng cần thay đổi tư duy về bằng cấp. Tuyển thợ lành nghề đâu nhất thiết đòi hỏi bằng cấp khi thực tế công việc không cần đến bằng cấp đó. Tư duy đổi mới này sẽ giúp xã hội và nhiều gia đình tiết kiệm khá nhiều chi phí và thời gian.
Một điều cũng quan trọng không kém là các bậc cha mẹ cũng cần tôn trọng con em một khi các em muốn sớm theo đuổi niềm đam mê của chúng.
“Theo: thesaigontimes.vn”
Trường Trung cấp Bách Khoa Sài Gòn dành 500 chỉ tiêu cho hệ Trung Cấp chính quy các chuyên ngành: Y sĩ | Dược sĩ | Điều dưỡng | Hộ sinh | Kế toán doanh nghiệp | Marketing | Quản trị mạng máy tính |Thiết kế & Quản lý website| Xây dựng dân dụng và Công nghiệp | Hướng dẫn du lịch | Pháp luật | Thiết kế đồ họa | Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ | Thương mại điện tử | CNTT (Ứng dụng phần mềm) | Công nghệ Ô tô.
Nhận hồ sơ và xét tuyển chia làm nhiều đợt và khai giảng hàng tháng.
Hotline/ Zalo tư vấn tuyển sinh: 0979953763 – 0944422446 – 0944422447 – 0961828601 – 0961828602