Hơn 325.000 thí sinh từ bỏ đại học không phải dấu hiệu bất thường

5/5 - (1 bình chọn)

ThS Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng của nền giáo dục Việt Nam.

17h ngày 20/8, cổng đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm chính thức đóng lại. Bộ GD&ĐT thống kê cả nước có 941.759 thí sinh đăng ký xét tuyển. Tổng số thí sinh nhập nguyện vọng là 616.522 với 3.098.730 nguyện vọng.

Số thí sinh nhập nguyện vọng đạt trên 65% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Trung bình mỗi thí sinh có 5,02 nguyện vọng.

Thống kê của bộ cũng cho thấy hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng. Sau hạn chót, cổng đăng ký đã khóa chức năng, thí sinh không thể đăng ký hay điều chỉnh thêm.

thi sinh bo dai hoc anh 1
Hơn 325.000 thí sinh từ bỏ đại học không phải dấu hiệu bất thường. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Tín hiệu tốt với ngành giáo dục

Khi nghe thông tin về số thí sinh bỏ nguyện vọng, ThS Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, không quá bất ngờ. Ông Sơn cho rằng đây có thể là tín hiệu đáng mừng của nền giáo dục Việt Nam vì thí sinh đã biết lựa chọn môi trường phù hợp với năng lực của bản thân.

“Nhiều em bỏ đặt nguyện vọng xét tuyển vào đại học có lẽ do các em đã chọn học ở các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Hy vọng là các em đã suy xét kỹ lưỡng và nhận thấy học ở các trường này tốt hơn nhiều so với lựa chọn khác nên không đặt nguyện vọng”, ThS Phạm Thái Sơn nói.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng nếu nhiều thí sinh từ bỏ nguyện vọng xét tuyển đại học để vào trung cấp, trường dạy nghề là tín hiệu đáng mừng.

Ông cho rằng điều này báo hiệu nền giáo dục đã theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2025, 45% thí sinh sau khi học lớp 12 sẽ chuyển hướng sang giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nghĩa nhấn mạnh hiện tại vẫn chưa thể khẳng định số lượng hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển đã chọn học cao đẳng, trung cấp. Để chứng minh suy luận này, chúng ta cần phải đợi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xét tuyển xong.

Chung quan điểm, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại Hà Nội, cũng cho rằng việc hơn 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học không phải điều bất thường. Thực tế, các năm trước, con số này cũng ở mức tương tự, không khác biệt nhiều.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thầy Ngọc cho rằng một phần là do năm nay thay đổi cách thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Ban đầu, nhiều em vẫn đăng ký xét tuyển đại học để đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, khi biết điểm thi, các em nhận thấy kết quả của mình không cao, cơ hội không đủ lớn để vào các trường tốt, đúng nguyện vọng nên đã chuyển hướng.

Thầy Vũ Khắc Ngọc cũng cho rằng con số hơn 325.000 cũng bao gồm các thí sinh trúng tuyển sớm theo phương thức xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển bằng học bạ. Những em này chủ quan và quên điền lại nguyện vọng trên cổng đăng ký xét tuyển. Vì thế Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký bổ sung, tránh bỏ lỡ cơ hội vào đại học.

Thí sinh có hướng đi mới

Trao đổi với Zing, thầy Vũ Khắc Ngọc nói rằng số lượng thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học trong 4-5 năm gần đây có dấu hiệu tăng dần do các em đã có hướng đi riêng cho bản thân. Những vấn đề liên quan chi phí học tập, xu hướng công việc trong thời đại số hóa cũng tác động đáng kể đến cách học sinh lựa chọn, định hướng tương lai.

Vấn đề thứ nhất là xu hướng tự chủ đại học đang phát triển mạnh. Khi các trường tự chủ về kinh tế, học phí sẽ tăng nhanh theo các năm, gây ra gánh nặng tài chính lớn cho nhiều gia đình. Chưa kể, chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại các thành phố lớn cũng khiến cho nhiều người phải tính toán kỹ.

Với những gia đình điều kiện kinh tế chưa đảm bảo, họ sẽ phải cân nhắc liệu trường con học có thực sự tốt và giúp con tìm được công việc tốt khi ra trường hay không. Trong trường hợp trường, ngành học của con không hoàn toàn tốt và phù hợp, họ sẽ tìm hướng đi khác chắc chắn hơn, ví dụ học nghề, xuất khẩu lao động, hoặc làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại địa phương.

Vấn đề thứ hai là xu hướng làm việc trong thời đại số hóa đang có sự chuyển mình. Sự phát triển của khoa học công nghệ, các trang mạng, ứng dụng cũng mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền cho các bạn trẻ.

Thay vì mất thêm 4 năm học đại học, nhiều em chọn bán hàng online, làm lái xe hoặc giao hàng cho các ứng dụng công nghệ. Một số em khác chọn phát triển nghề nghiệp theo hướng giải trí như làm phim, viết nhạc hoặc sáng tạo nội dung trên các nền tảng. Thầy Ngọc nhận định những công việc này không cần qua trường lớp đào tạo ở đại học, các bạn trẻ dễ dàng bắt kịp xu hướng và chọn cho mình một lối đi phù hợp.

thi sinh bo dai hoc anh 2
Thí sinh có hướng đi mới thay vì chọn vào đại học. Ảnh minh họa: Đào Phương.

Bài toán mới cho công tác tuyển sinh

Nói về công tác tuyển sinh trong các năm tới, ThS Phạm Thái Sơn nhận định số lượng thí sinh từ bỏ đặt nguyện vọng xét tuyển đại học có thể ảnh hưởng đến các trường đại học. Ông cho rằng sau đợt tuyển sinh này, các trường sẽ bị “giảm tự tin” khi tuyển sinh. Nhưng đây cũng là một yếu tố giúp nhà trường đầu tư nhiều hơn vào chất lượng đào tạo để thí sinh đăng ký xét tuyển.

Chung quan điểm với ThS Sơn, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết tổng chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường đại học của cả nước năm 2022 là khoảng 550.000. Trong khi đó, số lượng thí sinh đã nhập nguyện vọng là 616.522.

Con số hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển có thể dẫn đến nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1 ở các trường đại học.

“Chúng ta không dám chắc việc lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển của Bộ GD&ĐT sẽ đem lại hiệu quả tới đâu. Các trường đại học sẽ đối diện với nguy cơ rất lớn là phải xét tuyển bổ sung. Một khi các trường thực hiện xét tuyển bổ sung, việc lọc ảo chung các phương thức sẽ không còn ý nghĩa nữa”, ông Nghĩa nói.

Từ vấn đề trên, thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định Bộ GD&ĐT cùng các trường sẽ rút nhiều điều cho công tác tuyển sinh cho những năm tới.

Thứ nhất là về quy hoạch giáo dục đại học, bộ cần tính toán giữa hai yếu tố là cung – cầu và đưa ra những con số mang tính dự báo về nhu cầu học đại học cho từng năm. Phương pháp này sẽ đưa ra cân đối số lượng chỉ tiêu cho hợp lý nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu. Nếu không, việc tuyển sinh sẽ xảy ra tình trạng các trường tranh giành thí sinh và không đảm bảo tài chính do thiếu hụt người học.

Thứ hai, các trường cần làm công tác hướng nghiệp hiệu quả hơn. Thầy Ngọc nói rằng việc học sinh đa dạng hóa các lựa chọn là một điều tốt, nhưng các trường cần làm sao để tình trạng này không diễn ra theo hướng tự phát, tự do.

Do đó, cơ quan chức năng cần đặt ra những chính sách cụ thể, ví dụ thí sinh có nhu cầu học nghề, hệ thống trường nghề phải được mở rộng, phát triển tốt hơn để đào tạo được những học viên tay nghề cao, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động.

Nếu thí sinh mong muốn làm việc ngay sau khi tốt nghiệp THPT, theo đuổi những nhóm nghề mới như làm sáng tạo nội dung, các trường cũng cần đưa ra những bài học về định hướng nghề nghiệp cụ thể để các em có được vốn kiến thức, kỹ năng cụ thể để tự tin hơn khi tham gia thị trường lao động và làm việc hiệu quả hơn, thay vì làm việc theo hướng tự phát.

“Nguồn: Zing.vn”