Ngay khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, phần lớn các doanh nghiệp đều đăng đàn tuyển dụng nhân sự. Bởi thực tế, thiếu hụt lao động du lịch đang là vấn đề vô cùng nan giải. Hiện nay, như lò xo bật nén, thị trường du lịch Việt Nam đang có cơ hội để khôi phục và phát triển trước làn sóng mở cửa hoàn toàn. Đây cũng là thời điểm ‘trở mình’ của các bạn sinh viên chuyên ngành Du lịch vì các doanh nghiệp đang cần một lượng lớn nhân sự để đưa hoạt động kinh doanh về quỹ đạo cũ.
Khủng hoảng nhân sự ngành du lịch
Du lịch Việt đã chính thức chuyển mình sang giai đoạn mới, phục hồi và phát triển hậu COVID-19 với nguồn nhân lực sụt giảm tới hơn 70% do tác động từ đại dịch. Đây thực sự là thách thức lớn và là vấn đề cấp bách của toàn ngành hiện nay. Theo Hội đồng Lữ hành thế giới (WTTC), chỉ trong hai năm 2020-2021, đại dịch đã làm mất đi 62 triệu/334 triệu việc làm trong ngành du lịch.
Nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng khuyến cáo, rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch đi qua và mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.
Với du lịch Việt Nam, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1/2020, toàn ngành đã rơi vào khủng hoảng do dịch COVID-19 bùng phát. Doanh nghiệp du lịch buộc phải ngừng hoạt động hoặc vận hành cầm chừng khiến người lao động ảnh hưởng nặng nề.
Doanh nghiệp chỉ có thể duy trì guồng máy với số nhân viên tối thiểu, còn lại cho nghỉ việc, chờ việc; có đơn vị hỗ trợ cho người lao động, có đơn vị không. Thực tế này khiến người lao động phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến thất thoát nhân lực đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành kinh tế không khói.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, dùng từ “cấp bách” khi nói về việc tuyển dụng nhân sự. “Hiện nay từ khu vực miền Trung trở ra, nhân sự thiếu trầm trọng vì phần lớn người lao động đã ổn định với nghề mới, thậm chí thu nhập cao hơn. Tuyển dụng là bài toán cần giải từ các địa phương, cơ quan quản lý, đến khu điểm du lịch, đòi hỏi đánh giá lại và có chính sách phối hợp với trường đào tạo nghề để có chiến lược cụ thể,” ông Thủy nói.
Giải quyết bài toán nhân sự ngành Du lịch
Để nguồn nhân lực ngành Du lịch từng bước phục hồi và sớm khởi sắc trở lại trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cần có nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ của các doanh nghiệp. Các chuyên gia du lịch cho rằng ngay lúc này chúng ta cần cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu tổ chức kinh doanh phục vụ khách du lịch; tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nhân lực ngành du lịch đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực kinh doanh, các địa phương trong cả nước.
Trong tất cả các giải pháp, quan trọng nhất phải kể đến việc liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo du lịch như các trường Trung cấp/Cao đẳng, các trung tâm đào tạo nghề du lịch để tuyển dụng lao động lâu dài hoặc tạm thời phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cần bám sát yêu cầu trong tiêu chuẩn Việt Nam. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia để định hướng các đơn vị trong tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm.
Ngoài ra cũng cần có chính sách thu hút, khuyến khích lao động có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại với ngành du lịch thông qua việc bảo đảm về lương, môi trường làm việc, xây dựng chính sách lương theo năng lực để khuyến khích nhân viên tự học nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Đối với các doanh nghiệp lữ hành, trong trường hợp thiếu hướng dẫn viên du lịch quốc nội, giải pháp tình thế là có thể tuyển chọn ký hợp đồng với sinh viên các trường Trung cấp/ Cao đẳng, đào tạo cấp tốc chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kỹ năng theo từng tour, tuyến cụ thể để họ có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của khách.
Học Du lịch tại Bách Khoa Sài Gòn
Bách Khoa Sài Gòn là trường đào tạo khối ngành du lịch lớn nhất miền Nam, với rất nhiều chuyên ngành về du lịch và đặt ra mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch đáp ứng được thị trường lao động trong và ngoài nước. Mục tiêu của nhà trường chú trọng hướng tới hội nhập thị trường khu vực ASEAN.
Ngoài ra, đây là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao về chuyên môn và nghiệp vụ, đồng thời thành thạo các kỹ năng về tin học ứng dụng trong ngành Du lịch, tiếng Anh giao tiếp và chuyên ngành. Đây chính là bản sắc riêng tạo sự khác biệt cho sinh viên tốt nghiệp tại Bách Khoa Sài Gòn. Với bề dày kinh nghiệm về đào tạo ngành Hướng dẫn du lịch, Bách Khoa Sài Gòn đã khẳng định được thương hiệu trong hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Bách Khoa Sài Gòn nhận hồ sơ xét tuyển ngành Hướng dẫn du lịch cho thí sinh tốt nghiệp từ THCS trở lên.
Link đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến: https://dkxt.bachkhoasaigon.edu.vn/