Lãnh đạo các trường chủ động xử lý các tình huống xảy ra, chằng chống, đưa bàn ghế cùng các thiết bị dạy và học lên cao tránh hư hỏng lúc nước gây ngập. Đồng thời, lãnh đạo các trường thông báo đến phụ huynh về việc nghỉ học và quản lý học sinh chặt chẽ trước và sau bão. Thông báo cũng nêu rõ, sau thời gian nghỉ các trường chủ động thời gian dạy bù. Đặc biệt đối với TP Nha Trang, do trận mưa lớn năm hôm trước đã làm nhiều nơi trong thành phố ngập nước, sạt lở trên núi làm đất đá trên núi đổ dồn dập xuống vùi lập hàng chục căn nhà.
Nhiều trường học bị hư hỏng, ngập nước với bùn non nên học sinh một số phường, xã của thành phố đã nghỉ học để khắc phục. Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công điện khẩn ngày 22/11 về việc ứng phó với cơn bão số 9.
Nhiều trường học tại Khánh Hòa vẫn còn ngổn ngang bùn đất sau bão số 8
UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để chỉ đạo các trường học các biện pháp gia cố, bảo vệ các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các trường.
Đồng thời, chủ động cho học sinh nghỉ học trong các ngày bão, mưa lũ lớn ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh từ chiều 23/11 đến hết ngày 25/11. Hiện Khánh Hòa có khoảng 500 trường học với hơn 270.000 học sinh
Trước tin bão gần bờ, cơn bão số 9 – Usagi, các tỉnh trong khu vực đã sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân theo kế hoạch đã lập tại các địa phương ven biển khi bão đổ bộ trực tiếp và gây mưa, lũ, ngập lụt.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 06h00 ngày 23/11/2018, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.137 phương tiện/330.712 người, cụ thể: hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão có 3.855 tàu/23.509 người. Hiện các phương tiện đã nắm được thông tin của bão và đang di chuyển tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Hoạt động trên các vùng biển khác có 13.640 tàu/80.631 người; neo đậu tại bến có 46.642 tàu/226.572 người; 320 lồng bè nuôi trồng thủy sản/789 người (ở Ninh Thuận, Bình Thuận).
Riêng tỉnh Bình Thuận đã cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải ra biển hoạt động từ 16h ngày 22/11/2018; tại huyện đảo Phú Quý trưa 23/11.
Về công tác vận hành hồ chứa, trong khu vực có 04 hồ thủy lợi có cửa van đang vận hành xả lũ: Hồ Tân Giang xả 5m3/s (Ninh Thuận); Ayun hạ xả 5 m3/s (Gia Lai); Ea Soup Thượng xả 10m3/s, Krông Buk Hạ xả 10m3/s (Đăk Lăk).
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 410km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 610km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 150km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 300km, cách đảo Phú Quý khoảng 80km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão nên ở khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Về cảnh báo mưa lớn, từ chiều tối và đêm ngày 23/11 đến ngày 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).
Về cảnh báo lũ, từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Ngoài ra, tối 22/11, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở Trung Trung Bộ. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đêm và sáng trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-180, vùng núi 12-140.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ở vùng biển ngoài khơi Trung và Nam Trung Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Theo thống kê, từ 19h00 ngày 21/11 đến 19h00 ngày 22/11, khu vực Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ rải rác có mưa, mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến từ 30-60mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn: Đông Hà (Quảng Trị): 107mm; Trà My (Quảng Nam) 108mm.
Từ 19h00 ngày 22/11 đến 01h00 ngày 23/11), các khu vực trên cả nước có mưa nhỏ hoặc không mưa, lượng mưa phổ biến 10-20mm, riêng tại trạm Phú Ốc (TT.Huế): 66mm.
Theo “VTV” & “Đời sống & Pháp lý”