Khách du lịch là một khái niệm rất quen thuộc, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi “khách du lịch là gì?”, “có bao nhiêu loại khách du lịch?”. Thực tế, khái niệm và phân loại khách du lịch đã được quy định rõ ràng trong Luật du lịch 2017. Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây:
Khách du lịch là gì?
Khách du lịch tiếng Anh là gì?
“Khách du lịch” trong tiếng Anh được gọi là “tourist” hoặc “traveler”. Cả hai từ này đều chỉ người đi du lịch từ một địa điểm đến một địa điểm khác vì mục đích giải trí hoặc khám phá. Tuy nhiên, “tourist” thường ám chỉ những người đi du lịch trong một thời gian ngắn và thường đi theo các tour du lịch có sẵn. Trong khi đó, “traveler” thường ám chỉ đến những người đi du lịch trong một thời gian dài và thường tự sắp xếp lịch trình của mình.
Khái niệm Khách du lịch là gì?
Khái niệm khách du lịch được định nghĩa như sau: Tại Khoản 2 Điều 3 Luật du lịch 2017 quy định:
“Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến. Theo đó, khách du lịch bao gồm: khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài”
Nói một cách dễ hiểu, khách du lịch là những người đi từ địa điểm này tới địa điểm khách vì mục đích giải trí, nghỉ ngơi hoặc khám phá. Họ có thể tham gia các hoạt động du lịch như tham quan các địa danh nổi tiếng, tắm biển, leo núi, tham gia các tour du lịch, hay đơn giản chỉ là nghỉ ngơi, thư giãn.
Một người được coi là khách du lịch khi:
- Là người Việt Nam, tới Paris, Pháp để tham quan tháp Eiffel, Louvre; đến Bali, Indonesia để tắm biển; đến New York, Hoa Kỳ để thăm các bảo tàng, mua sắm;…
- Là người Hà Nội tới Đà Nẵng, Phú Quốc,… để tắm biển, thưởng thức ẩm thực,..
- Là người Anh/người Pháp,… tới Việt Nam để thăm quan các địa danh, thưởng thức ẩm thực Việt Nam,…
Cách phân loại khách du lịch
Phân loại khách du lịch được quy định tại Điều 10, Luật du lịch 2017. Theo đó, khách du lịch được chia thành 3 nhóm chính: khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.
Khách du lịch nội địa
Khách du lịch nội địa là người Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam. Đây là những người không cần phải sang nước ngoài để có thể trải nghiệm các hoạt động du lịch. Những người này có thể đi tham quan các thành phố, điểm đến nổi tiếng trong nước, đến các bãi biển hay đi du lịch mạo hiểm tại các khu vực rừng núi của đất nước mình.
Chẳng hạn, bạn là người Hà Nội tới Đà Nẵng chơi, thì bạn sẽ được gọi là khách du lịch nội địa.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là những người đi du lịch đến Việt Nam từ các quốc gia khác. Đây là những người có mục đích đến Việt Nam để khám phá văn hóa, lịch sử, địa điểm nổi tiếng, hoặc tham gia các hoạt động giải trí, nghỉ dưỡng, ẩm thực và mua sắm. Những người này thường phải có hộ chiếu và visa để vào Việt Nam. Chẳng hạn, một người Hàn Quốc tới Phú Quốc tắm biển thì người này được gọi là khách du lịch quốc tế.
Khách du lịch ra nước ngoài
Khách du lịch ra nước ngoài là những người Việt Nam sang nước khác với mục đích trải nghiệm văn hóa, lịch sử; thăm quan địa điểm nổi tiếng hoặc tham gia các hoạt động giải trí, nghỉ dưỡng, ẩm thực và mua sắm.
Ví dụ, bạn là người Việt Nam và sang Thái Lan chơi thì bạn sẽ được coi là khách du lịch ra nước ngoài.
Quyền và nghĩa vụ của khách du lịch
Quyền và nghĩa vụ của khách du lịch được quy định tại Điều 11, Điều 12, Luật du lịch 2017.
Quyền của khách du lịch
Khách du lịch tại Việt Nam có quyền:
- Sử dụng dịch vụ du lịch do tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp hoặc tự đi du lịch.
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp thông tin về chương trình, dịch vụ, điểm đến du lịch theo hợp đồng đã ký kết.
- Được tạo điều kiện thuận lợi về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hải quan, lưu cư trú, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp theo hợp đồng đã giao kết với tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch.
- Được đối xử bình đẳng; được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi sử dụng dịch vụ du lịch; được tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về du lịch.
- Kiến nghị với tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của khách du lịch
Bên cạnh việc được hưởng các quyền lợi, khách du lịch là người Việt Nam hoặc khách quốc tế tới Việt Nam cần thực hiện các nghĩa vụ như:
- Tuân thủ pháp luật Việt Nam; ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương; bảo vệ và giữ gìn tài nguyên, môi trường du lịch.
- Người Việt Nam khi đi du lịch tại nước ngoài cần tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch; không gây hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.
- Thực hiện nội quy của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch.
- Thanh toán tiền dịch vụ theo hợp đồng, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.