Hiện có 86,7% dân số trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Sự phân bổ tỷ lệ người đang theo học trình độ chuyên nghiệp của cả nước cũng không đồng đều… Đó là khẳng định của PGS.TS Ngô Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), khi trao đổi với Giáo dục TP.HCM.
Nguyên nhân nào dẫn tới con số đáng “báo động” trên? Theo PGS.TS Ngô Anh Tuấn: Giả sử rằng những lao động chưa qua đào tạo vẫn sống bình thường bằng lao động thủ công thì có 2 trường hợp đặt ra: Thứ nhất, nền sản xuất và kinh tế Việt Nam vẫn cần đến lao động phổ thông chứ chưa cần lao động kỹ thuật có tay nghề. Thứ hai, các nhà tuyển dụng vẫn chấp nhận lao động phổ thông và chưa có chiến lược xây dựng đội ngũ trình độ tay nghề và chuyên môn cao. Vấn đề chúng ta cần xem xét là tương lai của người lao động phổ thông, bởi vì bản thân họ quá thiệt thòi về vấn đề trang bị kỹ thuật và thậm chí có những lao động không có cơ hội cải thiện tay nghề dù họ rất mong muốn. Cho nên, bên cạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo tay nghề cho học sinh đến tuổi học nghề, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các lao động phổ thông hiện đang chiếm tỉ lệ rất lớn hiện nay.
PV: Hiện nay mọi người vẫn giữ quan niệm “phải học ĐH mới có việc làm”. Theo ông, quan niệm này còn đúng với thực tế?
– Đây là một quan niệm sai lầm khiến cả xã hội đang phí phạm rất lớn để đào tạo những kỹ sư, cử nhân trong khi một số công việc không cần phải mất thời gian đào tạo lâu và bậc cao như thế. Theo tôi, cần phải có những nghiên cứu để đưa ra chính sách phù hợp nhằm giải quyết thực trạng trên. Đây thật sự là một vấn đề lớn của xã hội. Đã có thời gian hàng loạt các trường đua nhau nâng cấp để thỏa mãn nhu cầu học ĐH! Các trường nghề phải nghĩ đến việc sau một loạt biện pháp để được “CĐ hóa” và “ĐH hóa” nhằm thu hút người học thì họ sẽ làm gì khi mà thực lực không có, cơ chế tự điều tiết sẽ khiến các trường này không còn học viên? Hệ quả tất yếu chính là sự lãng phí cho xã hội do chất lượng đào tạo thấp từ các trường này.
Để hướng cho học sinh THCS, THPT vào trường nghề thay vì cứ đua nhau thi ĐH-CĐ, theo ông, cần có những biện pháp hay cách thức nào?
– Nhu cầu của nền kinh tế đối với học sinh tốt nghiệp TC nghề, CĐ nghề là rất cao, nhất là các nghề về kỹ thuật công nghệ. Vì vậy sau khi ra trường các em có việc làm dễ dàng. Tuy nhiên, thông tin này chưa đến với nhiều người dân nên có rất nhiều trường hợp các em chỉ nhận được thông tin một chiều và “ngại” vào các trường nghề vì lo chất lượng đầu ra. Ở góc độ xã hội, trước hết cần phải có những chiến dịch truyền thông đại chúng làm cho tất cả mọi người hiểu về vị trí và vai trò to lớn của người lao động có tay nghề trong xã hội. Cần phải tư vấn và định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc THCS cho phụ huynh và học sinh. Cần phải có những chuyên gia hướng nghiệp được đào tạo bài bản làm việc tại các trường THCS và THPT. Muốn học sinh yêu nghề thì các môn công nghệ hay kỹ năng lao động phải được dạy một cách nghiêm túc, phải định hướng và có chính sách để nâng tầm quan trọng của các môn học này. Các trường nên bắt học sinh thi đậu môn hướng nghiệp trước khi tốt nghiệp và xem đó như một môn học chính.
Vậy làm cách nào để nâng cao hiệu quả dạy và học nghề, thưa ông?
– Tôi thích dùng cụm từ “giáo dục nghề nghiệp” hơn là dạy nghề vì nếu đào tạo một người có tay nghề rất giỏi nhưng không có khả năng phối hợp với đồng nghiệp và không có tinh thần tự giác làm việc thì tay nghề đó cũng chẳng để làm gì. Giáo dục nghề nghiệp làm người lao động hoàn thiện hơn về nhân cách và hướng tay nghề của mình đến phục vụ cho cộng đồng, xã hội.
Để nâng cao hiệu quả dạy nghề, rất đơn giản là ta hãy dạy “thật” và chỉ mở trường, mở lớp để dạy khi nào chắc chắn có đủ điều kiện để giảng dạy chất lượng và nghiêm túc. Hơn nữa, để nâng cao hiệu quả học nghề, cần phải tạo tâm thế cho người học trước khi đến trường. Cụ thể là các trường nghề phải chăm lo thực sự cho các em, từ việc trang bị kiến thức, không gian thực hành và cả việc để các em an tâm khi tốt nghiệp sẽ có môi trường rộng mở cho các em bắt đầu công việc. Có như thế mới khiến các em yêu nghề và chọn học nghề nhiều hơn.
Xin cám ơn ông!
Lộc Sâm (thực hiện)
Học sinh đã chọn trường nghề thay vì học ĐH
PGS.TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Điều đáng mừng là hiện nay nhiều em học sinh đã lựa chọn học nghề thay vì học ĐH. Thậm chí, có nhiều em đã đỗ ĐH với điểm số cao vẫn lựa chọn học nghề, bởi, các em biết sau khi học nghề xong ra trường sẽ có việc làm ngay. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp sinh viên đã tốt nghiệp ĐH ra trường nhưng không có việc làm, lại quay trở lại học nghề. Hy vọng đây sẽ là xu hướng mới bởi dần dần người dân sẽ biết lựa chọn cách học phù hợp nhất, đỡ tốn kém về thời gian và tiền bạc nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu xã hội.
|