Theo tính toán, gần 35.000 học sinh lớp 9 TP.HCM năm học 2023-2024 sẽ rớt lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025.
30% học sinh sau THCS tại TP.HCM không học tiếp lớp 10 công lập
Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, năm học 2023-2024, TP.HCM có 116.000 học sinh lớp 9, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học trước. Năm học 2024-2025, TP.HCM tiếp tục thực hiện tốt việc phân luồng sau THCS với 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lớp 10 THPT công lập thông qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024; 30% còn lại sẽ lựa chọn theo các hướng học khác như học THPT ngoài công lập,
Năm ngoái, số chỉ tiêu lớp 10 THPT công lập của gần 100 trường THPT công lập trên địa bàn TP.HCM là khoảng 77.000 chỉ tiêu. Năm nay, số học sinh tăng đồng nghĩa với chỉ tiêu lớp 10 THPT công lập cũng sẽ phải tăng để đảm bảo thực hiện được tỷ lệ phân luồng. Theo tính toán, sẽ có khoảng 81.200 học sinh lớp 9 tiếp tục học lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025, 34.800 học sinh sẽ phải học các hướng học khác. Số chỉ tiêu tăng so với năm trước dự kiến sẽ khoảng 4.200 chỉ tiêu mới đảm bảo đáp ứng 70% học sinh học THPT công lập theo tỷ lệ phân luồng.
Với gần 35.000 học sinh tốt nghiệp THCS không thể học lớp 10 THPT công lập đặt ra vai trò quan trọng trong việc lựa chọn nguyện vọng lớp 10 THPT công lập một cách phù hợp.
NGƯT Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, hiện nay khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường THPT công lập nội thành và ngoại thành vì thế phụ huynh nên ưu tiên chọn trường THPT gần nhà, cân nhắc trường THPT phù hợp với năng lực học tập của con, chứ không nên chọn trường theo quan điểm trường tốp trên, tốp dưới.
“Trường tốp trên, tốp dưới là do tự phụ huynh đặt ra dựa vào điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 của trường chứ không phải do ngành giáo dục quy định. Mỗi trường THPT công lập về đội ngũ giáo viên đều phải đạt chuẩn, đều đáp ứng cơ sở vật chất, trường lớp để thực hiện giảng dạy, đều triển khai chương trình GDPT của Bộ quy định. Vì thế, việc chọn trường THPT phụ huynh cần lưu tâm về sức học, năng lực học tập của con, điều kiện đi lại từ nhà đến trường và môi trường học tập phù hợp…” – NGƯT Nguyễn Văn Ngai phân tích.
Ở 3 nguyện vọng thường, ông Ngai khuyên rằng học sinh, phụ huynh cần chọn một cách có trách nhiệm, tránh việc chọn cho có, chọn “lấy được”, chọn làm sao để khi trúng tuyển vào bất cứ nguyện vọng nào trong thứ tự 3 nguyện vọng ưu tiên đều có khả năng theo học chứ không phải là trúng tuyển vì lý do trường xa xôi mà bỏ. “Điều này sẽ vô tình làm mất cơ hội học tập ở trường công lập phù hợp với những học sinh thực sự có mong muốn theo học”.
Cô Bùi Minh Tâm – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) lưu ý, trong bối cảnh các trường THPT đang thực hiện Chương trình GDPT 2018, quan điểm chọn trường THPT trong thi tuyển sinh vào lớp 10 cần phải thay đổi. Chọn nguyện vọng trường THPT công lập hiện nay không chỉ dừng lại ở các tiêu chí về điểm chuẩn tuyển sinh, hiệu suất đào tạo của trường mà phụ huynh học sinh còn phải quan tâm đến cách thức trường triển khai các môn học lựa chọn của mỗi trường…
“Thực tế, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, tuỳ vào điều kiện, mỗi trường THPT sẽ có những cách tổ chức môn học lựa chọn khác nhau. Do vậy, khi chọn nguyện vọng phụ huynh học sinh cần có sự soi chiếu về cách thức tổ chức của trường với mong muốn học tập của bản thân học sinh gắn với định hướng nghề nghiệp sau này. Tránh tình trạng vào trường rồi mới tìm hiểu bởi có thể sẽ không đúng với mong muốn học các môn học lựa chọn của học sinh…” – cô Bùi Minh Tâm khuyên.
Theo bà Nguyễn Xuân Mai- Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM, việc chọn đúng các môn học lựa chọn theo đúng năng lực, sở trường, định hướng nghề nghiệp của học sinh là rất quan trọng. Bởi đây sẽ là tiền đề để các em theo học bậc đại học sau này… Do đó, quan tâm lựa chọn sớm từ khi chọn nguyện vọng THPT thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ giúp các em phát huy được sở trường của mình trong việc chọn được ngành nghề trong tương lai một cách phù hợp nhất…
“Nguồn: giaoduc.edu.vn”