Ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Năm học 2018-2019 toàn TP có hơn 100.000 học sinh lớp 9, dự kiến các trường THPT công lập sẽ tuyển khoảng 70.000 em vào lớp 10 công lập”.
Cũng theo ông Hiếu, số học sinh lớp 9 năm nay tăng hơn so với năm trước nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập không tăng.
Nguyên nhân TP đang tăng cường các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS nên sẽ giảm dần tỉ lệ học sinh vào học lớp 10 công lập với mục tiêu đến năm 2020 sẽ còn khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học lớp 10.
- Lịch thi vào lớp 10 THPT tại TPHCM năm 2019
- Học sinh tốt nghiệp THCS được nhà nước hỗ trợ học phí học trung cấp (học nghề)
Với số học sinh rớt lớp 10 công lập, ông Hiếu đưa ra lời khuyên: các em sẽ chọn học một trong các loại hình sau: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên; Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trường trung cấp, trung cấp nghề; Trường THPT tư thục.
Được biết năm học 2019-2020, TP.HCM vẫn tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức thi tuyển. Thí sinh sẽ làm bài thi 3 môn: toán, văn, ngoại ngữ.
Mỗi thí sinh sẽ được chọn 3 nguyện vọng vào lớp 10 thường và các nguyện vọng khác vào lớp 10 chuyên và lớp 10 tích hợp. Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật nhanh các thông tin về chỉ tiêu, điều kiện thi tuyển vào lớp 10 chuyên, lớp 10 tích hợp, mời bạn đọc đón xem.
Tại sao số học sinh tăng nhưng chỉ tiêu không tăng ?
– TP.HCM đang tăng cường các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS. Lộ trình từ năm 2015 đến 2020, TP phấn đấu có 30% số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT sẽ học nghề tại các trường trung cấp hoặc trung cấp nghề.
Vì vậy, TP sẽ giảm dần tỉ lệ học sinh vào học lớp 10 công lập với mục tiêu đến năm 2020 còn khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học lớp 10 công lập.
Vậy nếu học sinh rớt lớp 10 công lập không muốn học nghề thì sao? Trên thực tế, nhiều phụ huynh vẫn chưa muốn hướng con em mình theo học tại hệ thống các trường trung cấp và trung cấp nghề. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Học sinh rớt lớp 10 công lập có thể lựa chọn một trong những con đường học tập khác như: học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục; học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên với số môn ít hơn ở trường THPT nhưng bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau (các em vẫn có thể dự thi vào ĐH như học sinh THPT); học nghề ở các trường trung cấp, trung cấp nghề.
Đúng là một số phụ huynh vẫn còn dè dặt trong việc cho con em mình đi học nghề sau khi học hết lớp 9, quan niệm thích làm thầy hơn làm thợ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận xã hội. TP đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS nhưng chúng tôi làm từ từ chứ không nóng vội. Tính trung bình mỗi năm chỉ giảm 3% số học sinh tốt nghiệp THCS được vào lớp 10 công lập. Song song đó, Sở GD-ĐT TP cũng yêu cầu các đơn vị trường học thực hiện công tác hướng nghiệp không chỉ cho học sinh lớp 9 mà phải hướng nghiệp cho cả phụ huynh.
Để đạt được mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS, tôi cho rằng việc trước hết là phải nâng cao công tác tuyên truyền, vận động để học sinh, phụ huynh học sinh nói riêng, xã hội nói chung chuyển dần nhận thức từ việc học để có bằng cấp sang học để có nghề nghiệp.
Một số phụ huynh lại cho rằng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập quá thấp như hiện nay sẽ khiến kỳ thi thêm căng thẳng đối với học sinh và cả giáo viên?
– Trên thực tế, không phải 100% học sinh tốt nghiệp THCS đều đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập. Những năm gần đây, nhiều học sinh đã tự chọn cho mình con đường học tập phù hợp và không đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập như: học nghề, học văn hóa ở trường quốc tế, trường THPT tư thục, đi du học, học hệ giáo dục thường xuyên…
Chưa kể, trước khi xác định lộ trình phân luồng học sinh sau trung học, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát nhỏ và nhận thấy những học sinh yếu, trung bình khi vào học tiếp văn hóa ở bậc THPT là rất vất vả. Nhiều em không theo kịp chương trình, việc học tập trở thành áp lực nặng nề.
Tôi cũng từng gặp trực tiếp một số phụ huynh khi con em họ học văn hóa rất yếu, cháu không thích và không đủ năng lực để học tiếp lên bậc THPT; trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 điểm thi của cháu rất thấp và rớt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập.
Thế nhưng ba mẹ của cháu vẫn yêu cầu con mình phải tiếp tục học văn hóa. Sau một thời gian, học sinh buồn chán, bỏ học. Cuối cùng, phụ huynh mới đồng ý cho con mình đi học nghề. Và rất ngạc nhiên, khi chuyển sang học nghề thì cháu lại học rất tốt.
Sau những trường hợp như thế, tôi vẫn mong giá như các bậc làm cha làm mẹ định hướng cho con em mình ngay từ khi học hết lớp 9 thì sẽ không lãng phí thời gian và tiền bạc cho những năm mệt mỏi ở trường THPT.
Hệ thống các trường trung cấp và trung cấp nghề hiện đang có những lợi thế gì?
– Trước đây, hầu hết phụ huynh đều nhắm vào một mục đích: bằng mọi cách con em họ phải vào được lớp 10 công lập để sau này thi đậu ĐH, CĐ. Vài năm gần đây, một số người đã có cái nhìn thay đổi về hệ thống các trường trung cấp, trường ĐH, CĐ có tuyển sinh hệ trung cấp.
Trước hết, vì bản thân các trường này đang nỗ lực cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phương pháp đào tạo, tạo mối liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên sau khi ra trường.
Thứ hai, hình thức học trung cấp hiện đang có nhiều ưu điểm: học sinh được miễn học phí, ra trường dễ dàng tìm được việc làm và nếu muốn vẫn có thể thi liên thông để học lên bậc ĐH.
Riêng với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì việc chọn học tại các trường trung cấp là rất thuận lợi. Vì theo quy định, học sinh mới tốt nghiệp THCS nếu học nghề sẽ được miễn học phí 100%. Sau khi tốt nghiệp trường nghề, các em có thể đi làm ngay để có thu nhập phụ giúp gia đình; các em cũng có thể học liên thông lên bậc CĐ, ĐH sau khi đi làm.
Hiện nay, các trường nghề còn mở thêm những lớp học bổ túc văn hóa dành cho học sinh có nhu cầu. Các em có thể học song song 2 chương trình: văn hóa và giáo dục nghề nghiệp. Khi ra trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có chứng chỉ nghề.