TTO – 10 ngày thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ là khoảng thời gian vô cùng quan trọng đối với các thí sinh. Chọn trường, chọn ngành lúc này nếu sai một li là đi một dặm, sẽ là lãng phí thời gian và tiền bạc nếu quyết định sai.
học sinh trường TC Bách Khoa Sài Gòn thực tập tại bệnh viện
Quyết định đúng sẽ chẳng dễ dàng gì có được nếu phụ huynh không đủ dũng cảm vượt qua nỗi ám ảnh “phải học ĐH để giống với con nhà người ta” để nhìn thẳng vào năng lực và đam mê của con em mình.
Tình trạng “xác sống giảng đường”
Học trường nào, ngành gì đối với phụ huynh còn gắn với sự kỳ vọng và cả những định hướng, tính toán về con đường tương lai của con em mình. Trong bối cảnh điểm trúng tuyển của các trường ĐH chủ yếu bằng điểm sàn (trừ các trường tốp đầu), thậm chí chỉ cần xét học bạ để nhập học nên đa số phụ huynh đều muốn con mình tốt nghiệp phổ thông xong sẽ học ĐH bất chấp sức học thực tế của các em chỉ ở mức trung bình.
Từ thực tế 10 năm công tác ở trường ĐH, tôi thấy những sinh viên dạng này khi bước chân vào giảng đường thì dần rơi vào tình trạng “xác sống giảng đường”, vật vờ từ năm này sang năm khác vì càng học càng đuối.
Các em nợ môn, nợ chứng chỉ ngoại ngữ và thường xuyên rơi vào tình trạng bị cảnh báo kết quả học tập và cuối cùng là không thể tốt nghiệp dù thời gian học đã kéo dài hơn rất nhiều so với những sinh viên bình thường.
Có sinh viên đến lớp thường xuyên nhưng ngồi trong lớp mà tâm hồn cứ “đi du lịch” nơi khác, bài thi hết môn lại viết những lời lẽ chán nản, oán giận cuộc đời. Tôi đã từng choáng váng khi chấm một bài thi hết môn dài hơn ba trang giấy chỉ toàn những lời chửi bạn bè vô tình, chửi cuộc đời đen bạc, may mà không có câu nào chửi thầy cô.
Không bắt con cái gánh ước mơ cha mẹ
Năm nay, tôi có cậu em họ vừa tốt nghiệp. Trước ngày công bố điểm thi tốt nghiệp, em đã thuyết phục được mẹ dẫn ra Huế, đăng ký học trung cấp nấu ăn. Em kể với tôi: vì biết khả năng của mình tới đâu nên em đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào một trường ĐH tên tuổi để rớt cho “xứng đáng”.
Em biết nếu em học ĐH, cha mẹ sẽ rất vui vì em sẽ giúp cha mẹ thực hiện ước mơ ngày xưa vì hoàn cảnh khó khăn mà họ đành dang dở. Dù vậy, em quyết định học trung cấp nấu ăn để sớm có việc làm mà em thích và quan trọng hơn là không phải lo lắng chuyện đi xin việc. Theo em, học nấu ăn chỉ sợ làm không giỏi chứ không sợ thất nghiệp.
Tôi nghe giọng kể đầy hào hứng của em mà thấy mừng. Mừng nhất là cha mẹ đã hiểu chuyện, không bắt em phải gánh ước mơ ĐH vì biết nó quá sức với em.
Phụ huynh nào cũng thương con và muốn hướng con đi con đường mà từ kinh nghiệm của cuộc đời mình, phụ huynh cho là đúng nhất. 18 tuổi, các em học sinh vẫn chưa thể nào có đủ sự chín chắn và khôn ngoan để có thể chọn một hướng đi đúng nhất.
Dù vậy, phụ huynh hãy để các em được lựa chọn ngành học, bậc học, hay công việc mà các em có đủ khả năng và sự yêu thích.
Quan trọng là phù hợp
Học nghề không hề kém “sang” hơn so với học ĐH nếu sau này trở thành thợ giỏi thay vì chỉ là ông cử nhân làng nhàng. Nếu để các em phải miễn cưỡng học ĐH thì sẽ có nguy cơ lãng phí tiền bạc và cả thời gian của chính các em.
Như TS Nguyễn Hồng Minh – tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH – đã trả lời trên báo Tuổi Trẻ: Học gì cũng tốt, nghề nào cũng hay. Điều quan trọng là việc học đó, nghề đó phải phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình của các em học sinh và nhất là phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
“Theo: Tuoitre.vn”