Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, đến 14h ngày 3/2/2020, thế giới đã ghi nhận 17.393 ca mắc nCoV, trong đó Trung Quốc là 17.207. Số người tử vong là 362, trong đó Trung Quốc là 361 người và ngoài Trung Quốc là 01 ở Phillipines. Tại Việt Nam đã ghi nhận 8 ca mắc nCoV, trong đó có 2 ca xác nhận đã khỏi bệnh.
Từ bệnh viện ở cửa khẩu và Hà Nội trung tâm cả nước…
Tại các địa phương có đường biên giới giáp với Trung Quốc ở tất cả các cửa khẩu đã ngày đêm thực hiện các biện pháp kiểm dịch, kiểm tra xuất nhập cảnh, đặc biệt các cửa lớn như: Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai)… đã thành lập các phòng cách ly tại trận.
Đơn cử như ngay tại cửa khẩu Móng Cái đã thành lập những phòng chờ cách ly dã chiến tạm thời. Nếu phát hiện ca nghi ngờ sẽ đưa vào phòng chờ này sau đó bệnh nhân sẽ được chuyển về Bệnh viện cách ly tạm thời quy mô 500 giường tại Trung tâm Y tế TP. Móng Cái vừa được tỉnh Quảng Ninh quyết định thành lập.
Theo như lời nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại đây vào ngày 2/2, “Quảng Ninh đã tính toán, chuẩn bị cả khu cách ly dã chiến, nghĩa là đã tính đến cả những tình huống xấu hơn, thậm chí là những tình huống xấu nhất nhằm mục đích không để xảy ra tình huống xấu hơn và ứng phó với tình huống xấu nhất”.
Còn tại thủ đô Hà Nội trung tâm y tế của cả nước, công tác chuẩn bị nếu phải “đón” bệnh nhân nCoV cũng chưa bao giờ hết khẩn trương, tích cực.
BV Phổi Trung ương –đơn vị đầu ngành về bệnh phổi đã triển khai mọi mặt để ứng phó với dịch bệnh nCoV. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đã thành lập 02 đội cơ động thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh với tình hình dịch bệnh, trang bị đầy đủ trang thiết bị để hỗ trợ ngoại tuyến khi có điều động. Phòng khám sàng lọc và buồng bệnh cách ly cũng được thiết lập với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Công tác phân loại được phân công hướng dẫn giao việc chi tiết, người bệnh có nghi ngờ viêm phổi cấp do virus nCoV diễn biến nặng hoặc đã xác định dương tính với nCoV sẽ được chuyển đến BV Nhiệt đới Trung ương theo quy định…
BV Nhi Trung ươngcũng đã sẵn sàng các phương án điều trị cho mọi tình huống của dịch nCoV. PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi TW cho hay, ngay từ khi có thông tin về dịch nCoV bùng phát và diễn biến phức tạp, BV Nhi TW đã xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh này. Theo đó, BV quán triệt tuân thủ việc tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ngay tại nơi đón tiếp. BV cũng chuẩn bị sẵn khu cách ly và cơ số giường trong khu vực cách ly, bố trí 1 phân luồng bệnh nhân 1 chiều…
Về công tác điều trị, PGS. Điển cho biết, hiện nay phác đồ điều trị các trường hợp bệnh đều theo hướng dẫn Bộ Y tế và WHO. Tuy nhiên, BV Nhi TW đã lên phương án về trang thiết bị, cơ số thuốc phù hợp với từng tình huống dịch bệnh cụ thể. BV yêu cầu, lãnh đạo BV quán triệt các khoa, phòng liên quan phải tuân thủ tuyệt đối việc phân luồng, cách ly và điều trị, trong đó đặc biệt là chống lây nhiễm chéo, để hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, BV Nhi TW đã thành lập 2 đội chống dịch cơ động, mỗi đội 8 người (nhiều hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế), gồm 3 bác sĩ về cấp cứu, hồi sức và truyền nhiễm và 3 diều dưỡng, 1 lái xe, 1 chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn.
PGS.TS Trần Minh Điển cũng cho biết, BV Nhi TW cũng đã họp và lên kịch bản, nếu dịch ở mức độ 4, lan tràn cộng đồng thì Trung tâm Bệnh nhiệt đới của BV sẽ được mở rộng.
Hiện trung Trung tâm này đang có 150 giường bệnh, có thể nâng lên 200 giường trong tình huống cần. Ngoài ra, các y bác sĩ cũng đảm bảo đủ phục vụ nếu cần số lượng lớn hơn có thể điều động các y bác sĩ từ các khoa khác mà vẫn đảm bảo được chuyên môn.
“BV đã họp và xác định, sẽ cô lập toàn bộ khu vực Trung tâm này trong tình huống dịch cấp độ 4 và lan tràn. Theo đó, dựa trên kịch bản số lượng bệnh nhân sẽ tăng, chúng tôi chia thành 3 tầng để phân luồng, thu dung và điều trị bệnh nhân. Tầng 1 sẽ là nơi khám, phân loại bệnh nhân nghi ngờ và xác định. Tầng 2 ở mức độ ca bệnh vừa. Tầng 3 là những ca bệnh nặng, thậm chí có thể phải thở máy, làm ECMO, hoặc lọc máu…”- PGS.TS Trần Minh Điển cho biết.
Đến các BV miền Trung đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất
Tại Bệnh viện TW Huế,GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh viện đã khẩn trương xây dựng kịch bản đối phó với dịch bệnh và tổ chức diễn tập giả định ngay vào ngày 2/2/2020 với sự chứng kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật cùng nhiều đơn vị liên quan của tỉnh. Hoạt động này nhằm sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trong các tình huống có thể xảy ra trên thực tế. Sau buổi diễn tập BV đã họp rút kinh nghiệm, phối hợp các đơn vị liên ngành chặt chẽ để công tác phòng, chống dịch ngày một hiệu quả hơn, ngăn chặn dịch bệnh vì sức khỏe của người dân.
Còn tại BV Đà Nẵng, BS. Lê Đức Nhân – Giám đốc BV cho biết, để chủ động phát hiện sớm, cách ly, điều trị và ngăn chặn bệnh dịch nCoV lan rộng, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền, các phương tiện máy thở, monitor theo dõi người bệnh, vật tư thiết bị y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh. Bệnh viện tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh: Người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…) phải được phân luồng khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt, khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày, nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho Y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời.
Khoa Y học nhiệt đới (YHNĐ) bố trí sẵn sàng Phòng khám sàng lọc bệnh dịch khi có yêu cầu, khám và thu dung người bệnh nghi ngờ mắc nCoV. Bố trí ở tầng 4 khoa YHNĐ với 30 giường và nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh khi có dịch xảy ra. Bố trí thành khu riêng biệt khép kín, đi theo một chiều để theo dõi và điều trị người bệnh, hạn chế người nhà thăm và tiếp xúc người bệnh.
Khoa Khám bệnh tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh. Bố trí 1 phòng cách ly tại khu cấp cứu đảm bảo riêng biệt, thuận tiện trong việc tiếp nhận cũng như di chuyển người bệnh. Đưa ngay vào phòng cách ly khi có ca bệnh nghi ngờ/xác định là viêm phổi do virus corona và chuyển khoa YHNĐ để xác định chẩn đoán và điều trị. Trường hợp ca bệnh đã được xác định hoặc biến chứng nặng từ tuyến trước chuyển đến (trung tâm y tế quận, huyện, nhà ga, sân bay….) thì chuyển thẳng vào khoa YHNĐ.
Bệnh viện đã thành lập 3 đội phản ứng nhanh nội viện và 1 đội phản ứng nhanh ngoại viện với sự tham gia của các bác sĩ khoa khám bệnh, y học nhiệt đới, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức tích cực – chống độc, nội hô hấp… để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới.
Và TP.HCM: “Quyết tâm không để vỡ trận nếu dịch lan rộng”
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, công tác ứng phó khi bệnh lây lan đã được chuẩn bị sẵn sàng. Theo BS. Châu, hiện tại khi TP.HCM chỉ có ca bệnh lẻ tẻ sẽ được chuyển về bệnh viện và được điều trị cách ly tại khoa Nhiễm D với sức chứa lên đến 150 bệnh, ngoài ra bệnh viện còn chuẩn bị dự phòng toàn bộ các khoa còn lại để tiếp nhận bệnh khi cần thiết.
Một trong những việc mà ngành y tế thành phố quyết tâm thực hiện là khi bệnh đã xảy ra trong cộng đồng, TP.HCM sẽ rút kinh nghiệm của tình hình ở Vũ Hán, tuyệt đối không để bị vỡ trận bằng cách thực hiện việc phân luồng phân tuyến rõ ràng với từng mức độ. Hiện việc phân luồng phân tuyến đã được tiến hành. Cụ thể, khi bệnh đã lan tràn trong cộng đồng, bệnh nhân sẽ không cần phải xét nghiệm xác định nCoV nữa mà chỉ ưu tiên xét nghiệm ngẫu nhiên một số trường hợp, các trường hợp xét nghiệm chỉ dành cho các ca viêm phổi nặng hoặc tử vong để xác định virus. Vấn đề lúc này là tự cách ly để không lây thêm cho những người khác và theo dõi điều trị tại chỗ.
Trường hợp nhẹ nhất sẽ đến các trạm y tế cơ sở rồi hướng dẫn về nhà tự uống thuốc điều trị bởi rất có khả năng như ghi nhận ở Trung Quốc, đa phần các bệnh nhân chỉ sốt ho và tự khỏi. Với những trường hợp bệnh nặng hơn thì tất cả các bệnh viện trong thành phố bao gồm bệnh viện quận, bệnh viện khu vực cho đến những bệnh tư nhân sẽ tiếp nhận và những khu cách ly. Chỉ những trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân cần thở máy thì mới chuyển đến những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, các bệnh viện đa khoa lớn như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Chợ Rẫy (Bộ Y tế).
Ở tình huống dịch bệnh lan rộng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sẽ là nơi điều phối, hướng dẫn cố vấn chuyên môn. Dù bệnh do nCoV nhưng biến chứng chủ yếu là viêm phổi nên các bệnh viện nội khoa tại TP.HCM và các bệnh viện tỉnh thành ở phía Nam đều có thể tự điều trị hồi sức hô hấp. “Hiện các bệnh viện tỉnh đã chuẩn bị sẵn tất cả nhân lực, vật lực để đón nhận nếu có bệnh nhân. Chúng tôi sẽ có buổi tập huấn chuyên môn với tất cả bệnh viện” – BS. Châu nói.
Về bệnh nhân Việt kiều Mỹ dương tính nCoV đang được điều trị tại bệnh viện, đến sáng 3/2 sức khỏe đã ổn định, bệnh nhân không còn sốt tuy nhiên vẫn còn thở ôxy qua ống, khả năng hồi phục cao. “Từ thực tế điều trị các ca bệnh tại TP.HCM và thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới về tỷ lệ tử vong khoảng 2%, tôi cho rằng dịch có thể lan ra cộng đồng nhưng hy vọng số ca nặng phải nhập viện và tử vong là không cao”- vị bác sĩ này thông tin.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy – nơi có trang thiết bị y tế cao cấp và nhân lực đã có kinh nghiệm trong các trận dịch bệnh trước đây, BSCK2 Nguyễn Tri Thức cho biết khi nhận được chỉ đạo từ Bộ Y tế thì bệnh viện đã khởi động lại hệ thống phòng chống dịch, các quy trình phòng chống nhiễm, thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ chức tập huấn toàn bộ nhân viên để nói về đặc điểm lâm sàng của virus nCoV, tập huấn bảo vệ bệnh viện trong việc bảo vệ giám sát phân luồng cách ly bệnh.
Hiện tại phòng khám của bệnh viện đã được phân luồng khám, những bệnh nhân có yếu tố dịch tễ nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ không đứng đợi khám cùng với các bệnh nhân khác. Những đơn vị tiếp xúc được trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, các phòng cũng sẽ được khử khuẩn mỗi ngày.
Ở trường hợp có nhiều bệnh nhân, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn một phòng cách ly để phân loại ngay các mức độ bệnh, sau khi làm các xét nghiệm cơ bản, những bệnh nhân nhẹ được hướng dẫn theo dõi điều trị theo dõi tại nhà, những bệnh nghi ngờ sẽ đưa vào khoa bằng xe cấp cứu chuyên dụng chỉ làm nhiệm vụ chuyên chở bệnh nhân bằng đường ít tiếp xúc nhất với các bệnh nhân khác để đến với khoa Bệnh Nhiệt đới. Hiện tại khoa này có thể điều trị được cho khoảng 50 bệnh nhân, ngoài ra khoa Điều trị theo yêu cầu với sức chứa 20 bệnh nhân cũng đã sẵng sàng được phong tỏa cô lập để ứng phó khi bệnh đông.
Trước khả năng dịch lây lan,Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Cấp cứu 115; Trung tâm y tế quận, huyện; Phòng Y tế quận, huyện; Phòng khám chuyên khoa, đa khoa, nhà hộ sinh trên địa bàn thành tiếp tục khẩn trương và sẵn sàng triển khai khám sàng lọc và thu dung điều tị người bệnh nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV.
Cụ thể, hình thành khu vực khám sàng lọc và thu dung điều trị tại khu vực cách ly đúng quy định của Bộ Y tế tại khoa Nhiễm hoặc khoa Hô hấp của đơn vị, cung ứng đầy đủ các thiết bị y tế, các dụng cụ và phương tiện khử khuẩn, phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế và người bệnh; Xây dựng và ban hành quy trình tiếp nhận, khám sàng lọc, phân loại và thu dung điều trị người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với những người có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt,…), cách ly triệt để người bị nghi ngờ mắc bệnh nCoV theo 3 khu vực (khu vực người bệnh nghi ngờ, khu người bệnh đã được chẩn đoán xác đinh và khu người bệnh trước khi xuất viện).
Tại cuộc họp khẩn ngày mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu toàn hệ thống chính trị vào việc phòng chống dịch bệnh. Cần thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm cho người dân tự dự phòng cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Phải phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh không để xảy ra dịch, trong trường hợp có xảy ra dịch thì hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.
Thành phố triển khai in 5 triệu tờ rơi phát đến các hộ dân khu phố, điểm công cộng, khách sạn để mọi người nắm được thông tin và hiểu đúng về dịch bệnh. Sở Y tế phối hợp Sở Công thương để cung cấp khẩu trang, nước rửa tay sát trùng đạt tiêu chuẩn cho người dân và khách vãng lai có thể phòng bệnh; tính toán hệ thống phân phối, có kế hoạch cụ thể. Cùng với đó là chuẩn bị trang thiết bị y tế, đồ bảo vệ cho đội ngũ nhân viên y tế. Sở Giáo dục – Đào tạo phải có kế hoạch cụ thể, chủ động phòng chống dịch bệnh cho học sinh. Đồng thời, trên cơ sở kế hoạch của TP về phòng, chống dịch nCoV, UBND quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị của TP sớm xây dựng, triển khai kế hoạch sát tình hình địa phương.
“Theo Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y Tế”