HS ngành điều dưỡng của Trung cấp Bách Khoa Sài Gòn (SPC) đang được hướng dẫn thực hành
|
Hiện nay, nhu cầu tuyển lao động có tay nghề của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, số lao động chưa được đào tạo nghề hiện chiếm gần 77% và kỹ năng nghề nghiệp của những người này còn hạn chế, chất lượng lao động chưa đồng đều ở các khu vực.
Trước thực trạng này, nhiều trường TCCN và TC nghề đang phải liên kết với doanh nghiệp cũng như thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm thu hút học sinh (HS).
Đa dạng loại hình liên kết đào tạo
Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao đón đầu việc mở cửa thị trường lao động ASEAN vào năm 2016, vừa qua, Công ty cổ phần Giải pháp vốn nhân lực Le & Associates (L&A) – đơn vị cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc các lĩnh vực: Điều dưỡng, y tá, dược sĩ, hộ sinh, thợ cơ khí… sang khu vực ASEAN và các nước phát triển – đã tiến hành ký kết “thỏa thuận hợp tác cổ đông chiến lược” với Trường TC Bách khoa Sài Gòn (SPC). Ông Ngô Đình Đức – Tổng giám đốc của L&A – cho biết: L&A và SPC đều là những đơn vị có uy tín hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hàng năm, SPC đào tạo hàng ngàn HS-SV, trong khi đó L&A có nhu cầu tuyển dụng – đào tạo hàng ngàn nhân sự cung cấp cho doanh nghiệp và đã hợp tác với rất nhiều trường đào tạo nghề cũng như ĐH cho việc phát triển kinh doanh. Với việc trở thành cổ đông chiến lược của SPC trong năm nay, L&A sẽ chủ động trong việc cung cấp nguồn lao động ổn định và có tay nghề cao theo đúng đơn hàng của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.
Còn TS. Châu Văn Dưỡng – Hiệu trưởng SPC – cho rằng: “Một thương hiệu trong lĩnh vực đào tạo có một thước đo duy nhất để đánh giá đó là chất lượng đầu ra của người học. Để đáp ứng được nhu cầu cũng như yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay và giải đáp bài toán về chất lượng đào tạo, bắt buộc nhà trường không những theo quy củ của chương trình đào tạo mà còn phải nâng cao năng lực đáp ứng những gì doanh nghiệp đang cần, ngoài cái nhà trường đang có. Chiến lược của nhà trường trong giai đoạn 2012-2017 là tập trung phát triển cơ cấu ngành nghề đào tạo, gắn liền với nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, mở rộng quan hệ với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo cơ hội việc làm bán thời gian cho HS ngay từ khi nhập học cũng như làm việc đúng ngành nghề và ổn định sau khi HS tốt nghiệp ra trường”.
Mới đây, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm và Bộ Giáo dục – Cộng đồng bang New South Wales (Úc) đã có buổi làm việc để hướng tới việc liên kết trong đào tạo. Tại buổi làm việc này,ông Phạm Đức Khiêm – Hiệu trưởng nhà trường – mong muốn được liên kết cùng Bộ Giáo dục – Cộng đồng bang New South Wales trong đào tạo hệ TCCN và từ CĐ lên ĐH ở hai lĩnh vực: May – thiết kế thời trang và công nghệ cơ khí sửa chữa ô tô; đặc biệt là đào tạo cho HS sau khi tốt nghiệp lớp 9. Bà Pam Christie – Giám đốc điều hành, bộ phận giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề bang New South Wales – cho rằng: “Liên kết đào tạo với các trường TCCN, CĐ tại TP.HCM là nhu cầu và mong muốn của hai bên nhưng để đạt được sự mong muốn này, yếu tố tiên quyết là tiếng Anh. Việc Bộ GD-ĐT Việt Nam hướng tới năm 2020, SV tốt nghiệp ra trường phải đạt điểm TOEIC 450 thì cũng không đủ trình độ theo học ngành công nghệ cơ khí sửa chữa ô tô, do đây là ngành được Nhà nước Úc bảo hộ, vào học phải là những người thật giỏi khi ra trường có việc làm ngay và lương rất cao. Bà Pam Christie gợi mở: “Trên thực tế là vậy nhưng khi hai bên cùng thống nhất được lộ trình học, chương trình, trình độ của giảng viên, tiếng Anh đạt chuẩn theo yêu cầu của bang New South Wales, hai bên có thể triển khai được những khóa học ngắn ngày”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp là một trong những biện pháp được các trường TCCN và TC nghề đặc biệt quan tâm và thực hiện để tiếp cận HS. Hiện nay, HS theo học tại các trường TCCN, TC nghề ra trường có việc làm đạt gần 90%; trong thời gian học đã có doanh nghiệp đặt hàng… Nhưng để đạt được những kết quả trên, công tác tư vấn, hướng nghiệp được nhà trường triển khai một cách mạnh mẽ. Trong đó, quảng bá mạnh cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đang là chiến lược của nhiều trường, trong đó có Trường CĐ Nghề TP.HCM. ThS. Trần Kim Tuyền – Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề TP.HCM – cho biết: “Mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh và HS là việc làm ổn định hay không sau khi tốt nghiệp ra trường? Do đó, khi đến các trường THPT, THCS làm công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp, ngoài việc giới thiệu về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy, chúng tôi còn chủ động cung cấp cho phụ huynh và HS thông tin về các chương trình hợp tác, giới thiệu việc làm của nhà trường để bảo đảm đầu ra cho HS-SV”. Còn ông Nguyễn Lê Đình Hải – Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Nguyễn Trường Tộ – chia sẻ: “Trước mùa tuyển sinh năm 2013, ngoài việc tham gia tư vấn hướng nghiệp ở các trường THPT, THCS trên địa bàn TP, chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền ở các trung tâm GDTX trên địa bàn TP và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng như Tây Nguyên để tiếp thị hình ảnh nhà trường. Năm học 2013-2014, trường dành hơn 300 triệu đồng hỗ trợ học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn”. Ông Hải cho biết thêm: “Các trung tâm GDTX tại TP và các tỉnh/thành có số lượng HS khá đông, phần lớn có xu hướng học nghề nhưng ít có cơ hội tiếp cận thông tin về trường nghề. Vì vậy, nhà trường tích cực mở rộng kênh tuyển sinh cho đối tượng này”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy – Báo Giáo dục TP.HCM
“Theo định hướng phân luồng người học thì các trường TCCN nên hướng vào đối tượng HS đã tốt nghiệp hệ THCS. Đặc biệt, vấn đề mấu chốt cần giải quyết là các trường phải tự nâng chất lượng đào tạo của mình. Nâng chất lượng đào tạo vì sự phát triển của quốc gia chứ không phải chỉ riêng một trường nào đó”, TS. Hoàng Ngọc Vinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) – nhấn mạnh. |